BB Wellness

CÓ NÊN CHO BÉ SƠ SINH NẰM VÕNG?

Các bố mẹ thường sử dụng võng như một phương pháp hiệu quả để bé có giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, các chuyên gia không hoàn toàn đồng ý việc cho bé sơ sinh ngủ võng trong thời gian dài vì những ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe của bé.

Thực tế, nhiều bố mẹ nhận thấy rằng bé ngủ võng có vẻ ngon hơn cả ngủ bằng nôi điện vì nằm ngủ võng rất mát, thoáng lưng, không bị hầm, đặc biệt là vào mùa hè. Đồng thời, động tác đung đưa nhịp nhàng giúp dễ chìm vào giấc ngủ, nhờ vậy mà thời gian dỗ ngủ cũng ngắn lại, bé ngủ giấc sâu hơn. Tuy nhiên, ngủ võng thường xuyên thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Nhược điểm khi cho bé sơ sinh nằm võng

Bé phụ thuộc vào võng

Thường xuyên được ngủ võng khiến bé dần quen với chuyển động đung đưa. Tuy nhiên, theo thời gian dài, điều này sẽ khiến bé trở nên phụ thuộc vào võng, khó ngủ và khó chịu khi không được ngủ võng. Đồng thời, bố mẹ cũng phải thường xuyên kề bên để đưa võng và trông nom bé.

Thường xuyên cho bé ngủ võng khiến bé bị phụ thuộc và khó ngủ trên mặt phẳng bình thường (Nguồn: Internet)

Nguy cơ bị té ngã và khó thở

Với các bé khoảng 3 tháng tuổi đã biết lăn, lật, bố mẹ cần lưu ý phải luôn có người lớn trông chừng khi bé đang ngủ võng. Nếu bé biết lật mà nằm võng một mình, bé dễ có khả năng té ngã, thậm chí không may là gây chấn thương sọ não khi di chuyển trong võng. 

Bên cạnh đó, khi thức dậy bé có thể lăn sang một bên nhưng lại không thể lật ngửa lại. Điều này có thể nguy hiểm hoặc thậm chí gây tử vong vì hơi thở của bé có thể bị tắc nghẽn.

Ảnh hưởng đến cột sống và lồng ngực

Võng vốn không phải là một mặt phẳng nên khi nằm võng, cột sống của bé không được nâng đỡ và dễ bị cong vẹo. Đây là vấn đề rất phổ biến với các bé được cho ngủ bằng võng. Cột sống của bé sơ sinh còn rất non mềm, chưa đủ độ cứng cáp như người trưởng thành nên dễ bị biến dạng khi nằm võng thời gian dài. Mặt khác, khi đốt sống cong, lồng ngực của bé sẽ trở nên khó thở do lưng khi cong lại, lồng ngực và đường thở cũng bị chèn ép theo. Điều này sẽ kéo theo hệ lụy xấu cho hoạt động của các cơ quan như tim và phổi.

Thần kinh vận động kém phát triển

Không gian võng hẹp khiến bé bị giới hạn không gian chuyển động, giảm các cử động của chân, tay, đầu, cổ. Do đó, bé sơ sinh nằm võng nhiều sẽ bị gián tiếp cản trở khả năng thực hiện các động tác trườn, lật, ngồi,.. Chính vì vậy, hệ thần kinh vận động của bé trở nên kém linh hoạt, dẫn đến sự ù lì, hạn chế khả năng vận động, tiếp thu và nhận thức.

Không gian võng hẹp sẽ cản trở vận động của bé (Nguồn: Internet)

Cách cho bé sơ sinh nằm võng đúng cách

Các bác sĩ và chuyên gia luôn khuyên các bố mẹ cho bé ngủ trên giường, nôi hoặc một mặt phẳng an toàn. Tuy nhiên, trong các trường hợp bất khả kháng (không có giường, nôi, hay mặt phẳng phù hợp) bố mẹ có thể cho bé ngủ võng nhưng cần đảm bảo điều kiện an toàn cho bé.

Để không ảnh hưởng đến sự phát triển cột sống, bố mẹ nên lót thêm một tấm nệm hoặc chiếc chiếu nhỏ đặt dưới lưng bé. Đồng thời để bé nằm chéo so với chiếc võng để đảm bảo lưng được nâng đỡ, hạn chế bị cong theo tấm võng. Bé luôn phải ngủ ở tư thế nằm ngửa, không được nằm ngủ sấp hoặc nghiêng. Ngoài ra, bố mẹ cũng không nên đặt gối, chăn hay quá nhiều đồ chơi vào võng.

Khi bé nằm võng, bố mẹ không nên đắp chăn hoặc cho nhiều đồ chơi vào trong (Nguồn: Internet)

Bố mẹ cần lưu ý đảm bảo chiếc võng được treo ở một nơi chắc chắn, an toàn. Các nút buộc cũng cần thường xuyên kiểm tra vì việc đung đưa liên tục có thể làm lỏng các nút thắt và sờn sợi đay buộc võng. Nếu bé có anh chị lớn, bố mẹ cần nhắc nhở các bé lớn không nên trèo vào võng bé sơ sinh vì dễ mất khả năng giữ thăng bằng và có thể gây nguy hiểm cho em bé. Đặc biệt, bố mẹ phải luôn chú ý quan sát, theo dõi bé.

Tuy chiếc võng có thể mang lại cho bé giấc ngủ ngon nhưng bố mẹ cần lưu ý rằng có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi ngủ võng. Vì vậy, bố mẹ cần cẩn thận và đảm bảo các nguyên tắc an toàn để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của bé.

Tin tức liên quan