MÁCH BA MẸ CÁCH VỖ BÉ Ợ HƠI
Ợ hơi sẽ giúp đẩy ra ngoài những luồng khí bị nén lại ở dạ dày trong quá trình bé bú sữa. Nhờ đó bé sẽ cảm thấy dễ chịu và không bị nôn trớ sau khi bú.
Bé sơ sinh thường bú nhiều cử trong ngày, và trong quá trình bú bé cũng có thể nuốt vào một lượng không khí. Nếu không được ợ hơi, không khí tồn đọng có thể gây đầy bụng và trào ngược cho bé. Để cho bé ợ hơi đúng cách và an toàn, mẹ cần lưu ý đến tư thế bế bé, cách xoa hoặc vỗ lưng để hỗ trợ đẩy hơi ra khỏi bụng.
Vì sao bé sơ sinh hay bị đầy hơi?
Trong những tháng đầu đời, khi hệ tiêu hóa và quá trình mút chưa hoàn thiện, bé rất dễ bị đầy hơi. Khi bé khóc, bé thường há miệng to và sẽ nuốt một lượng khí lớn vào trong người. Bé bú sữa mẹ hoặc sữa bình quá nhanh sẽ khiến cho sữa và không khí cùng đi vào dạ dày. Ngoài ra, tư thế mẹ cho bé bú không đúng cách cũng dễ khiến bé nuốt phải nhiều không khí.

Nếu không được ợ hơi, không khí tồn đọng có thể gây đầy bụng và trào ngược cho bé (Nguồn: Internet)
Vỗ ợ hơi cho bé có tác dụng gì?
Không khí tồn đọng trong đường tiêu hóa có thể khiến bé bị đầy bụng, khó chịu, dễ nôn trớ, trào ngược. Nhiều mẹ thấy bé quấy khóc và nôn trớ sau khi ăn lại hiểu nhầm rằng bé mắc bệnh về tiêu hóa mà không biết rằng bé chỉ đang bị đầy hơi.
Do đó, vỗ ợ hơi sau khi ăn là một bước cực kỳ quan trọng mà mẹ cần lưu ý. Thao tác này sẽ giúp tống được các khí bị kẹt trong cơ thể bé ra ngoài. Bé sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, tiếp tục ăn và bú được nhiều hơn. Vỗ ợ hơi còn giúp bé tránh bị ọc sữa và nôn trớ sau bữa ăn cũng như khi đang ngủ.
Hướng dẫn vỗ ợ hơi cho bé đúng cách
Bế bé áp vào ngực
Mẹ ngồi thẳng và để đầu bé tựa vào vai, thân người bé áp vào ngực. Một tay mẹ đỡ mông bé và một tay còn lại xoa hoặc vỗ nhè nhẹ vào lưng bé. Nếu mẹ ngồi trên một chiếc ghế bập bênh và nhún nhẹ thì cũng có thể tạo ra tác dụng tương đương.

Mẹ ngồi thẳng và để đầu bé tựa vào vai, thân người bé áp vào ngực (Nguồn: Internet)
Cho bé ngồi trong lòng mẹ
Cách ợ hơi thứ hai là để bé ngồi thẳng trên đùi mẹ, dùng lòng bàn tay đỡ cằm của bé và phần cổ tay đỡ phần ngực bé. Tay còn lại nhẹ nhàng vỗ vào lưng bé. Mẹ có thể để bé ngồi hơi nghiêng về đằng trước để đẩy hơi ra dễ dàng hơn.
Để bé nằm sấp
Mẹ sẽ để bé nằm sấp trên đùi và dùng tay để hỗ trợ phần đầu cho bé. Mẹ hãy đảm bảo rằng phần đầu bé cao hơn phần ngực, sau đó vỗ nhẹ lưng bé. Mẹ hãy khum bàn tay lại và vỗ vào lưng bé sao cho tạo ra những tiếng nghe bồm bộp. Vỗ dọc lưng bé, theo chiều từ thắt lưng lên đến cổ để đẩy không khí từ dưới thoát lên trên. Khi khí được đẩy ra ngoài, có thể nghe thấy tiếng bé ợ hơi hoặc trào một chút cặn sữa ra ngoài.

Khi đặt bé vào lòng, mẹ có thể để bé ngồi hơi nghiêng về đằng trước để đẩy hơi ra dễ dàng hơn (Nguồn: Internet)
Những điều cần lưu ý
Trước khi vỗ bé ợ hơi, mẹ cần chuẩn bị một chiếc khăn xô nhỏ ở ngay gần mình để phòng trường hợp bé có thể ợ ra cặn sữa. Đầu và cổ của bé lúc nào cũng phải được nâng đỡ nhẹ nhàng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bé.
Với bé khỏe mạnh, mẹ luôn cần cho bé ợ hơi sau mỗi cữ bú. Tốt nhất, cứ sau mỗi 60 đến 90ml sữa hoặc mỗi lần đổi bên ngực, mẹ nên cho con ợ hơi trước khi tiếp tục cho bú. Đối với các bé bị trào ngược, nôn trớ nhiều hoặc đang có dấu hiệu đầy bụng và khó chịu, mẹ lại càng phải cho ợ hơi nhiều lần. Nếu bé vẫn chưa ợ hơi, mẹ nên thay đổi tư thế của bé và thử lại sau một vài phút. Mẹ cần cho bé ợ hơi trước khi tiếp tục cho bú. Luôn ghi nhớ cho bé ợ hơi sau khi bú xong.
Bơi nổi và massage cũng góp phần giải quyết các vấn đề tiêu hóa ở bé

Massage sau bơi sẽ kích thích tối ưu vòng tuần hoàn tiêu hóa của bé (Nguồn: BB Wellness)
Bơi giúp bé có cơ hội giải phóng nguồn năng lượng thừa gây béo phì trong khi các động tác massage sau bơi sẽ kích thích tối ưu vòng tuần hoàn tiêu hóa. Ngoài các động tác bóp nắn tập trung thư giãn các cơ tay, chân, những động tác massage vùng bụng giúp bé tống hơi chướng ở bao tử, giảm ngay chứng đầy hơi khó tiêu ngay tức thì. Đồng thời, massage vùng bụng sau khi bơi còn giúp chữa trị chứng táo bón thường gặp ở bé.