ĐẢM BẢO GIẤC NGỦ CỦA BÉ MÙA CÁCH LY
Giai đoạn cách ly xã hội, bé được ở nhà dài ngày vô tình khiến bé gặp một số vấn đề về giấc ngủ: khó ngủ, ngủ không sâu,…Vậy nên, bố mẹ phải hiểu rõ các vấn đề này, nguyên nhân cũng như cách cải thiện để bé luôn ngủ ngon, khỏe mạnh và sẵn sàng quay lại trường.
Giấc ngủ là cơ chế sinh học cơ bản của con người. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp bé luôn hoạt bát, vui vẻ, đặc biệt có sức khỏe tốt để phòng chống mầm bệnh. Tuy nhiên, khoảng thời gian cách ly này lại vô tình mang nhiều nguyên nhân khiến giấc ngủ của bé không được ổn định, thường khó ngủ và ngủ không sâu.
Các nguyên nhân gây vấn đề về giấc ngủ mùa cách ly
Bé chưa quen với lịch sinh hoạt mới
Trong thời gian ở nhà dài ngày, các bé thường cảm thấy thoải mái hơn nên thời gian chơi và ngủ thất thường, tùy vào tâm trạng. Nếu bé thấy vui, bé sẽ thích chơi hơn ngủ dù bố mẹ có bắt ép như thế nào. Còn nếu bé thấy buồn chán, bé sẽ vô tình ngủ quên trong khi chơi lúc nào không hay.

Thói quen sinh hoạt của bé bị thay đổi ít nhiều (Nguồn: Internet)
Các bé học mẫu giáo vốn quen với nề nếp của trường sẽ khiến bố mẹ khó điều chỉnh thói quen sinh hoạt hơn một chút. Lý do vì ở trường, bé phải ngủ chung với tất cả bạn bè, có cô giáo trông coi, đồng thời các trò chơi vận động, tư duy cũng giúp bé nhanh tiêu năng lượng, dễ buồn ngủ hơn. Trong khi ở nhà, bé không được vận động nhiều và bố mẹ đôi khi không nằm cạnh trong thời gian ngủ khiến bé xao nhãng, muốn chơi và có thể chỉ nằm nhưng không chịu ngủ.
Bé căng thẳng và lo lắng
Trong những ngày này, gia đình có nhiều xáo trộn, các tin tức trên truyền thông và tâm lý lo lắng của bố mẹ có thể là lý do khiến bé cảm thấy căng thẳng theo.
Ngoài ra, đôi khi vì mải suy nghĩ cho nhiều nỗi lo gia đình, bố mẹ thiếu các hành động yêu thương bé trước khi ngủ so với trước kia cũng sẽ khiến bé cảm thấy xa cách, gây tâm lý tiêu cực khi đi ngủ.
Bé tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử
Bé ở nhà thường xuyên sử dụng điện thoại, máy tính, ipad,…để giải trí. Tuy nhiên, ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử này sẽ ngăn chặn cơ thể sản sinh melatonin, một chất dẫn truyền thần kinh có vai trò quan trọng giúp con người đi ngủ. Theo đó, tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh, đặc biệt vào ban đêm, sẽ khiến bé khó ngủ, giấc ngủ và nhịp sinh học bị rối loạn.
Bố mẹ nên làm gì để giúp bé ngủ ngon?
Tạo môi trường cho bé vận động
Vận động chính là cách đơn giản và hiệu quả nhất để bố mẹ có thể giúp bé ngủ ngon và ngủ sâu hơn.
Mỗi ngày, bố mẹ hãy dành thời gian cùng bé tham gia các trò chơi như trốn tìm, nhảy lò cò,…hoặc khuyến khích bé phụ việc nhà với bố mẹ. Vào buổi tối, khoảng 2 đến 3 giờ trước khi ngủ, bố mẹ có thể massage thư giãn cho bé hoặc cùng bé thực hiện các bài thể dục nhẹ nhàng, nhảy theo nhạc. Điều này sẽ khiến bé nhanh mệt và buồn ngủ nên việc dỗ bé ngủ lúc này sẽ dễ dàng hơn.

Cùng bé vận động trước giờ ngủ giúp bé nhanh mệt, dễ buồn ngủ hơn (Nguồn: Internet)
Duy trì thói quen ngủ trước đây
Nếu trước đây, bố mẹ đã đều đặn thực hiện các hoạt động như cho bé ăn nhẹ và tắm nước ấm 1 tiếng trước khi ngủ, trò chuyện, đọc sách,…hoặc nằm kế bên vỗ về để giúp bé ngủ ngon thì giai đoạn cách ly này, bố mẹ cũng nên duy trì tất cả hoạt động đó.
Có một lưu ý nhỏ rằng trước khi đi ngủ khoảng 2 giờ, bố mẹ cần tắt tất cả các loại thiết bị giải trí trong nhà như tivi, điện thoại và hạn chế các loại đèn có ánh sáng trắng.
Không nên ép bé ngủ
Bố mẹ cũng cần lưu ý rằng bé có nhu cầu riêng về số giờ ngủ, ví dụ bé 2 tuổi trung bình cần ngủ 13 giờ mỗi ngày. Dựa vào đó, nếu bé ngủ 3 giờ buổi trưa thì ban đêm bé có thể thức đến 10 giờ và dậy lúc 8 giờ sáng hôm sau. Vậy nên, trong thời gian cách ly này, bố mẹ chỉ cần theo dõi tổng số giờ bé cần ngủ mỗi ngày để sắp xếp thời gian ngủ nghỉ phù hợp và không nên quá lo lắng nếu bé ngủ muộn hơn bình thường.
Giấc ngủ sâu giúp cơ thể bé hồi phục và phát triển toàn diện cả về trí tuệ lẫn thể chất, đặc biệt củng cố sức đề kháng trong mùa cách ly này. Do đó, bố mẹ phải chú ý theo dõi tình trạng giấc ngủ của bé. Nếu bé gặp các vấn đề trên, hãy chủ động thực hiện các biện pháp cải thiện cho bé giấc ngủ ngon, đảm bảo sức khỏe để quay lại trường học.