CHĂM SÓC KHI BÉ BỊ CHÀM SỮA
Chàm sữa là một dạng viêm da, khiến da bé bị đỏ, khô hoặc có những mảng mụn nước gây ngứa. Ba mẹ cần nhận biết bệnh sớm để điều trị và tránh những tổn thương không đáng có trên da bé.
Chàm sữa xuất hiện rất phổ biến, đặc biệt ở bé dưới 1 tuổi. Đây không phải là một bệnh nguy hiểm nhưng lại khiến bé khó chịu và gãi gây ra trầy xước. Tùy theo cơ địa của từng bé mà bệnh sẽ nặng hay nhẹ, hoặc tái đi tái lại nhiều lần.
Biểu hiện
Chàm sữa, hay còn gọi là viêm da cơ địa, là bệnh mạn tính và hay tái phát. Biểu hiện chung của bệnh gồm 3 triệu chứng cơ bản là khô da, đỏ da và ngứa.
Những đám nổi mẩn đỏ, khô da thường xuất hiện trên mặt và các nếp gấp như khuỷu tay, khuỷu chân… Trong trường hợp nặng hơn, bé có thể bị khắp người. Trên nền da đỏ có thể xuất hiện các mụn nước nhỏ, chảy dịch vàng.
Mức độ ngứa da cũng khác nhau, có bé ngứa nhiều, có bé ngứa ít. Ngứa làm bé gãi gây trầy xước và tổn thương da, từ đó làm viêm da nặng hơn, dẫn đến gây ngứa nhiều hơn.

Nguyên nhân gây chàm sữa
Hiện nay, nguyên nhân gây ra bệnh chàm vẫn chưa được tìm ra nhưng thường là do di truyền. Do đó, nếu có ba mẹ hoặc người thân từng bị bệnh chàm thì bé cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
Chàm không phải là tình trạng phản ứng dị ứng với một chất nhất định nào đó. Tuy nhiên, phấn hoa hoặc khói thuốc lá xung quanh bé có thể là tác nhân tạo điều kiện cho chàm phát triển.
Đôi khi những vết chàm xuất hiện là do bé dị ứng thức ăn hoặc các thành phần trong sữa mẹ. Những vết chàm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi da tiếp xúc với các chất kích thích như lông cừu hoặc hóa chất trong một số xà phòng, nước hoa, kem dưỡng da và chất tẩy rửa.
Chăm sóc khi bé bị chàm sữa
Tắm và giữ ẩm
Việc tắm rửa hàng ngày đúng cách sẽ góp phần điều trị bệnh chàm ở bé. Ba mẹ không nên dùng nước nóng để tắm vì điều này sẽ khiến da bé bị khô nhanh hơn. Một vấn đề cần chú ý là nên sử dụng xà phòng để tắm và gội đầu cho bé, nhưng tránh để bé ngồi trong nước xà phòng.
Ngay khi tắm xong, ba mẹ nên lau nhẹ nước còn đọng lại trên da bé bằng khăn mềm. Khi da vẫn còn ẩm ướt, hãy thoa một lượng kem dưỡng ẩm hoặc chất làm mềm lên da bé. Thuốc mỡ chứa các chất làm mềm da và ít nước hơn kem dưỡng da nên thường tốt hơn cho bé mắc bệnh chàm. Ba mẹ nên thử một lượng cực nhỏ lên da bé trước để đảm bảo các chất này không gây kích ứng.
Nếu bé đang có thói quen đi bơi nổi mà lại bị bệnh chàm thì ba mẹ cũng đừng quá lo lắng. Hãy cứ tiếp tục cho bé đi bơi, nhưng cần phải đến spa uy tín. Nguồn nước ấm được khử trùng bằng tia UV ở đây có thể cải thiện tình trạng viêm da của bé đáng kể. Chưa kể nước được lọc liên tục tại hồ, sạch đến độ có thể uống được.

Giữ da luôn mát mẻ
Ba mẹ nên chọn cho bé các loại quần áo làm bằng vải cotton thấm hút mồ hôi tốt, tránh cho bé mặc các quần áo làm bằng vải len hay các chất liệu dễ gây kích ứng da. Đặc biệt, không nên cho bé mặc nhiều quần áo khi thời tiết nóng.
Dùng xà phòng giặt quần áo
Ba mẹ hãy dùng các loại xà phòng nhẹ, không có mùi thơm hoặc các sản phẩm dùng cho da nhạy cảm để giặt quần áo và giường ngủ của bé. Ngoài ra cũng không nên sử dụng các chất làm mềm vải vì sẽ ảnh hưởng đến da bé.
Ngăn trầy xước da
Bé có thể gãi lên các vết chàm hoặc chà xát vùng bị ngứa khi ngủ. Mặc dù việc gãi và chà xát có thể làm dịu cơn ngứa, nhưng nó lại khiến cho những vết mẩn ngứa trở nên nghiêm trọng hơn. Khi bé không thể chịu được cơn ngứa và thường xuyên gãi, ba mẹ hãy cho bé sử dụng găng tay hoặc vớ bằng bông.
Nên làm gì khi bệnh chàm của bé không giảm?
Nếu bệnh chàm không giảm, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ da liễu nhi khoa để được khám và điều trị. Lúc này, bác sĩ có thể đề nghị dùng các loại steroid bôi tại chỗ.
Nếu loại thuốc này không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê một loại steroid mạnh hơn. Nếu bé vẫn không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu bị sốt, nhiễm trùng như chảy máu, có mủ màu vàng, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ lại ngay lập tức.