Bé ngủ ngày thức đêm, mẹ cần làm gì?
Bé sơ sinh ngủ ngày thức đêm là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Làm thế nào để giải quyết tình trạng này?
Giấc ngủ được các chuyên gia đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng trong hành trình phát triển của bé. Tuy nhiên, có một số trường hợp bé ngủ nhiều vào ban ngày và hoàn toàn tỉnh táo vào ban đêm. Vậy bố mẹ cần làm gì?
Tại sao một số bé sơ sinh ngủ ngày thức đêm?
- Bé sơ sinh chưa phân biệt được ngày đêm.
- Các bé còn quá nhỏ, vẫn cần bú thường xuyên, cũng như nhắc bố mẹ luôn gần gũi chúng. Vậy nên, thức đêm là bình thường với những bé còn nhỏ vốn cần thức 3 – 4 giờ mỗi ngày.
- Do khó chịu trong người.
- Do thói quen. Các bé quen được bố mẹ dỗ ngủ thường khóc đòi mẹ trong đêm. Thói quen ngủ ban ngày cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm của bé.
- Các bé đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới thường có những thay đổi trong lúc ngủ: lăn, bò, bật dậy và bi bô không dứt trong đêm.
- Khi chuyển sang nhà mới hay phòng mới, hoặc đổi từ nằm nôi sang nằm cũi.
- Bé đang bệnh thì cách ngủ cũng khác mọi ngày. Bé cần được vỗ về, chăm sóc và cho ăn nhiều hơn để hỗ trợ hệ thống miễn dịch để hồi phục và cảm thấy ít khó chịu hơn.
- Một số nghiên cứu cho thấy các bé có mẹ bị trầm cảm sau sinh hoặc có vấn đề về tinh thần thì dễ có khuynh hướng thức đêm.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé ngủ ngày thức đêm (Nguồn: Internet)
5 biện pháp khắc phục tình trạng bé ngủ ngày thức đêm
Tạo thói quen ngủ cho bé
Bất luận là bé đã buồn ngủ hay chưa, cứ đến một giờ cố định của mỗi đêm, thường là từ 8 – 9 giờ tối, bố mẹ nên cho bé bú no, lau mình, thay quần áo đi ngủ và đặt bé vào chỗ ngủ quen thuộc.
Việc lặp đi lặp lại những hoạt động chuẩn bị trước khi đi ngủ sẽ giúp bé dần điều chỉnh được đồng hồ sinh lý của cơ thể mình.
Bố mẹ nên hạn chế tối đa việc ẵm bồng, hát ru, rung lắc vì những điều đó chỉ khiến bé quen những thói xấu. Theo thời gian, bé sẽ luôn đòi hỏi bố mẹ phải như vậy trong khì bố mẹ cần nhiều thời gian hơn để thư giãn, nghỉ ngơi sau ngày dài chăm sóc bé.
Dạy bé cách phân biệt ngày/đêm
Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bé đã có xu hướng hoạt động nhiều hơn vào ban đêm. Do đó khi chào đời bé sẽ vẫn giữ thói quen này. Mẹ cần giúp bé phân biệt được ban ngày và ban đêm.
Vào ban ngày, hãy giữ cho bé tỉnh táo bằng cách mở rèm cửa, chơi đùa cùng bé. Gia đình vẫn giữ nếp sinh hoạt bình thường, mẹ chỉ nên hạn chế những âm thanh quá lớn. Tuy nhiên, bé sơ sinh vẫn cần ngủ các giấc ngắn trong ngày nên mẹ đừng giữ cho bé thức mãi để tránh làm bé căng thẳng nhé.
Ban đêm, mẹ cho bé bú no, thay tã, tắt bớt đèn và giữ yên lặng để bé dễ đi vào giấc ngủ hơn. Nếu cần chăm sóc bé ban đêm, mẹ bật một chiếc đèn sáng dịu, không nên để ánh sáng quá chói trên đầu bé.

Mẹ cần giúp bé phân biệt ngày và đêm từ khi còn nhỏ (Nguồn: Internet)
Đảm bảo thời gian ngủ ngày cho bé
Một số mẹ thường ngăn con ngủ ngày với mong muốn bé sẽ ngủ đêm nhiều hơn. Nhưng kết quả ngược lại, bé sẽ khó ngủ vì mệt và gắt ngủ nhiều hơn. Mẹ hãy tham khảo thời gian ngủ của bé sơ sinh theo độ tuổi để đảm bảo bé ngủ đủ giấc.
- Bé mới sinh: ngủ 8 – 10 tiếng ban ngày, 12 tiếng ban đêm
- 1 tháng: ngủ 7 – 8 tiếng ban ngày, 12 tiếng ban đêm
- 3 tháng: ngủ 5 – 7 tiếng ban ngày, 11 tiếng ban đêm
- 6 tháng: ngủ 3.5 tiếng ban ngày, 11 tiếng ban đêm
- 9 tháng: ngủ 3 tiếng ban ngày, 11 tiếng ban đêm
- 12 tháng: ngủ 3 tiếng ban ngày, 12 tiếng ban đêm
Tập cho bé tự ngủ
Cách bố mẹ dỗ bé ngủ rất quan trọng, giúp hình thành thói quen ngủ của bé trong những năm tháng đầu đời. Một số phương pháp tập cho bé tự ngủ như phương pháp không khóc (No cry/No tears), bế lên đặt xuống (Pick up put down), để con khóc (Cry it out), khóc có kiểm soát (Controlled crying).
Mẹ nên đặt bé vào giường/cũi khi bé đã buồn ngủ nhưng vẫn còn thức, đừng để con ngủ say trên tay mẹ. Điều này sẽ tạo thói quen để bé tự xoay sở, mẹ sẽ không cần dỗ nếu con thức giấc nửa đêm.

Bố mẹ nên giúp bé hình thành thói quen tự ngủ từ nhỏ (Nguồn: Internet)
Chú ý một số hoạt động động khác trong ngày
Bố mẹ nên chú ý một số hoạt động sau để tạo cho bé thói quen ngủ tốt ngay từ lúc sơ sinh:
- Chơi đùa ban ngày và giữ yên lặng vào buổi tối, giúp bé không quá phấn khích khi bước vào giấc ngủ đêm.
- Những “thủ tục” thư giãn trước giờ đi ngủ (tắm, kể chuyện, đánh răng…) sẽ giúp tinh thần bé thư thái, ổn định và hiểu được đã đến lúc lên giường ngủ.
- Duy trì điều kiện ngủ trong phòng. Nếu bé thức dậy lúc nửa đêm, hãy đảm bảo rằng âm thanh và ánh sáng trong phòng vẫn giống như lúc bé đi ngủ.
- Chỗ bé nằm càng ít đồ, càng thoáng đãng càng giúp bé ngủ ngon hơn.
- Nếu dành thời gian ôm ấp bé yêu trước giờ đi ngủ, bố mẹ sẽ làm cho bé cảm nhận được tình yêu thương và tạo cho bé sự an toàn.
Những ngày đầu tập ngủ cho bé, bố mẹ có thể gặp khó khăn. Tuy nhiên, bố mẹ sẽ nhận ra sự thay đổi trong thói quen ngủ của con sau khoảng 1 tuần.