BB Wellness

TẮC TUYẾN LỆ Ở TRẺ SƠ SINH

Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là tình trạng thường gặp nhưng không quá nghiêm trọng. Đa số các trường hợp sẽ dần khỏi sau một thời gian và đáp ứng tốt với những biện pháp điều trị.

Theo Viện Hàn lâm Nhãn khoa Hoa Kỳ, có đến 20% trẻ sơ sinh khi ra đời sẽ bị tắc tuyến lệ. Trường hợp nếu bé nhà mình gặp tình trạng này, liệu ba mẹ có thể tự xử lý không? Bài viết này sẽ giúp ba mẹ phần nào dễ dàng trả lời câu hỏi đó.

Dấu hiệu

Bình thường, nước mắt được sinh ra từ tuyến lệ. Sau đó, với cử động của đôi mắt, những giọt nước mắt bị ép vào các ống dẫn ở góc bên trong và thoát ra khỏi mắt nhỏ xuống lệ quản. Nếu ống dẫn này bị tắc hoàn toàn hoặc một phần, những giọt nước mắt không thoát ra ngoài sẽ làm tắc tuyến lệ.

Theo các bác sĩ nhãn khoa, tắc tuyến lệ là rối loạn phổ biến nhất về hệ thống tuyến lệ ở trẻ sơ sinh. Khi mắc phải tình trạng này, bé sẽ có các dấu hiệu sau (thường bắt đầu xuất hiện khi bé 3 tuần tuổi): Gào khóc nhưng không có nước mắt; dịch tiết ra nhiều hơn khi đè nhẹ lên các góc trong của mí mắt dưới; tuyến lệ có ghèn, ảnh hưởng đến hai mắt trong khoảng 30% thời gian trong ngày; mắt có thể chảy nước hoặc tiết ra chất nhầy và mủ, tùy thuộc vào vị trí tắc nghẽn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân phổ biến nhất của tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là do tuyến lệ của bé chưa được phát triển hoàn toàn. Do đó ống dẫn nước mắt sẽ hẹp, van ở cuối tuyến lệ không mở đúng cách và các lỗ mở ở mí mắt chưa phát triển đầy đủ.

Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân ít phổ biến hơn: U nang hoặc khối u; tuyến lệ bị tổn thương; xương mũi chặn đường dẫn mà nước mắt thường chảy vào mũi; nhiễm trùng gây sưng ở mặt, gây quá nhiều áp lực lên ống dẫn nước mắt.

Biện pháp xử lý ngay tại nhà

Phần lớn các trường hợp tắc tuyến lệ sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Có vài biện pháp mà ba mẹ có thể làm để cải thiện tình trạng tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh bằng cách:

Chườm ấm:
Cứ sau vài giờ, khi tuyến lệ bắt đầu hình thành hiện tượng tích tụ ghèn, ba mẹ hãy lấy một khăn sạch hoặc bông gòn mềm, nhúng nước và nhẹ nhàng vệ sinh khu vực xung quanh mắt bé. Có thể đè nhẹ lên tuyến lệ và lau từ trong khóe mắt ra ngoài, nhưng ba mẹ hãy cẩn thận để tránh đụng vào nhãn cầu của bé. 

Mát xa tuyến lệ:
Ba mẹ có thể ấn nhẹ vào tuyến lệ, dọc theo phần trên của mũi và dọc theo mí mắt dưới. Tuy nhiên, vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để thực hiện biện pháp này đúng đắn nhất. Ba mẹ có thể mát xa tuyến lệ khoảng 2 lần/ngày nhưng cần thực hiện nhẹ nhàng để không gây tổn thương bé. 

Nhỏ mắt:
Nếu tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là do nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh hoặc thuốc mỡ để làm sạch ổ vi khuẩn. 

Khi nào cần đưa bé đến bác sĩ?

Phần lớn các trường hợp tắc tuyến lệ sẽ tự khỏi mà không cần điều trị trong năm đầu đời.

Trong một số trường hợp tuyến lệ vẫn bị tắc, bác sĩ có thể sử dụng một phương pháp điều trị khác. Phương pháp phổ biến nhất là thăm dò phẫu thuật, trong đó bác sĩ đưa dụng cụ y tế vào tuyến lệ mắt để loại bỏ vật cản. Đối với trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở xuống, việc thăm dò bằng phẫu thuật thường không cần gây mê. 

Trẻ lớn hơn một chút có nhiều khả năng phải thực hiện thủ thuật này trong phòng phẫu thuật dưới hình thức gây mê toàn thân. Phẫu thuật thường mất khoảng 10 phút và có tỷ lệ thành công 80%.

Tin tức liên quan