BB Wellness

ĐẶT HẸN

Bài viết

title-baby-decor

PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT CHO BÉ SƠ SINH

Sốt xuất huyết là bệnh cấp tính thường xảy ra vào mùa mưa (từ khoảng tháng 6 đến tháng 8, đỉnh dịch rơi vào tháng 9 đến tháng 11). Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến là trẻ nhỏ, và hiện tại chưa có thuốc đặc trị nên bố mẹ cần hiểu rõ các kiến thức phòng bệnh cho bé.

Theo bệnh viện Nhi đồng 1, sốt xuất huyết biểu hiện ở bé sơ sinh thường khó đánh giá và nhận biết triệu chứng, song bệnh lại diễn tiến nặng, tỷ lệ tử vong rất cao. Do đó, bố mẹ cần trang bị đầy đủ kiến thức về nguyên nhân, biểu hiện triệu chứng, cũng như cách phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bé.

Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. Chính vì vậy, từ nhỏ đến khi trưởng thành, bé vẫn có khả năng mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn 1 lần trong đời.

Nguyên nhân lây bệnh sốt xuất huyết là do muỗi vằn (muỗi cái thuộc chi Aedes) truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Virus này ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Khi vào cơ thể người, chúng tuần hoàn trong máu từ 2 đến 7 ngày và gây nên những triệu chứng nguy hiểm.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do muỗi vằn gây ra (Nguồn: Internet)

Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết ở bé sơ sinh

Bệnh sốt xuất huyết được chia làm 4 cấp độ từ nhẹ tới nặng.

  • Độ 1: Sốt nhẹ, chưa có triệu chứng xuất huyết
  • Độ 2: Sốt có triệu chứng xuất huyết
  • Độ 3: Bắt đầu có dấu hiệu sốc
  • Độ 4: Tình trạng sốc nặng

Bé bị sốt xuất huyết thường sốt đột ngột, sốt 39 – 40 độ C hoặc cao hơn, sốt liên tục kéo dài từ 2 đến 7 ngày mà dùng thuốc hạ sốt cũng không giảm thiểu bệnh tình. 

Kèm theo đó là một số triệu chứng điển hình khác như đau bụng, đau vùng rốn hoặc bên phải rốn, nôn trớ hay phình bụng; nổi mẩn, phát ban dưới da (thể nhẹ), xuất hiện nốt xuất huyết, chảy máu cam, chảy máu chân răng; đại tiện ra máu (xuất huyết nội tạng là thể nặng).

Biểu hiện sốc thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 từ lúc bệnh bắt đầu khởi phát, các triệu chứng sốc bao gồm bé từ trạng thái tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, vật vã; bé đau bụng dữ dội, tay chân lạnh; da đổi màu, trở nên bầm bầm, môi xám lại. Bé tiểu ít hoặc không tiểu chút nào. Bé bắt đầu có biểu hiện khát nước – hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Với những trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm tiểu cầu theo dõi tình trạng bệnh và kê thuốc điều trị tại nhà để bé được nghỉ ngơi, tránh nguy cơ lây chéo bệnh… Tuy nhiên, với trường hợp bệnh nặng, bé cần được nhập viện ngay để tránh nguy cơ dẫn đến các biến chứng như sốc, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác, có thể gây tử vong…

Các triệu chứng sốt xuất huyết ở bé thường khó đánh giá và nhận biết (Nguồn: Internet)

Các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết cho bé

Trước nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh sốt xuất huyết đến sức khỏe của bé, bố mẹ cần chủ động phòng ngừa bệnh bằng những cách sau:

Sử dụng sản phẩm chống muỗi

Ưu tiên hàng đầu vẫn là các sản phẩm thiên nhiên, không hóa chất, như tinh dầu sả, tinh dầu trà,… Hoặc bố mẹ cũng có thể chọn thuốc chống muỗi có thành phần DEET ở tỷ lệ an toàn khoảng 10%. Đặc biệt chú ý đúng liều lượng và hướng dẫn sử dụng của từng loại sản phẩm. Tránh dùng kem bôi trực tiếp lên da cho bé. Nếu dùng dạng xịt, chỉ xịt ở chân, cánh tay, tuyệt đối tránh xa vùng mặt cổ vì thuốc xịt có thể bay hơi, dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bé qua đường hô hấp.

Cho bé mặc quần áo dài tay, sáng màu

Màu tối thu hút muỗi nhiều hơn, vì thế bố mẹ nên cho bé mặc quần áo sáng màu, trừ màu đỏ. Đặc biệt trong mùa mưa mát mẻ nhưng độ ẩm cao là thời điểm muỗi sinh sôi, phát triển rất nhanh, bé nên mặc quần áo dài tay, tránh hở da để hạn chế muỗi đốt.

Quần áo màu sáng, kín đáo hạn chế nguy cơ thu hút muỗi (Nguồn: Internet)

Luôn giữ cơ thể sạch sẽ

Axit lactic trong mồ hôi sẽ thu hút muỗi, do đó bố mẹ nên vệ sinh và lau người cho bé thật sạch sẽ, tránh mồ hôi đọng lại trên cơ thể.

Dọn dẹp không gian sống

Một vũng nước nhỏ chỉ khoảng 2 – 3cm, góc nhà, góc tủ, ngoài vườn,…tất cả đều là môi trường thuận lợi để muỗi sinh sôi và phát triển. Vì thế, bố mẹ hãy triệt để loại bỏ môi trường sống của chúng bằng cách dọn dẹp không gian gọn gàng, tránh ao tù nước đọng và phun thuốc diệt muỗi quanh nhà.

Mùa mưa sắp đến, bố mẹ không được chủ quan, phải chủ động phòng chống, sớm thực hiện các biện pháp ngăn ngừa để bảo vệ sức khỏe cho bé và cả gia đình.

Tin tức liên quan