BB Wellness

ĐẶT HẸN

Bài viết

title-baby-decor

NHỮNG LƯU Ý KHI CHĂM SÓC BÉ BỊ SỐT

Bé nhỏ với sức đề kháng yếu thường rất dễ sốt khi thời tiết thay đổi, khi mọc răng hoặc tiêm phòng. Vì vậy, ba mẹ cần hết sức lưu ý trong việc lựa chọn và áp dụng những phương thức sơ cứu hạ sốt cho con tại nhà, để đảm bảo không chỉ sự hiệu quả và mà còn sự an toàn cho bé. 

Nguyên nhân gây sốt ở bé

Sốt là cơ chế tự nhiên của cơ thể khi khởi động hệ miễn dịch chống lại các tác nhân như virus, vi khuẩn gây bệnh,… Có nhiều nguyên nhẫn dẫn đến hiện tượng sốt ở bé: 

  • Sốt do virus: các virus gây bệnh có thể là virus sốt xuất huyết, bệnh sởi, thủy đậu gây hiện tượng sốt cao cho bé kèm các triệu chứng ngoài da.   
  • Sốt do nhiễm khuẩn: các vi khuẩn có thể gây bệnh cúm, viêm họng, viêm đường tiết niệu ở bé. 
  • Sốt do mọc răng: đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể bé, các cơn sốt của bé khi mọc răng thường kéo dài từ 1 đến 2 ngày. 
  • Sốt do tiêm phòng: với các mũi tiêm nặng, là phản ứng của bé khi tiếp xúc với vắc-xin. 

Các dấu hiệu khi bé bị sốt

Dấu hiệu rõ nhất khi bé bị sốt là nhiệt độ cơ thể tăng lên bất thường, ba mẹ có thể kiểm tra bằng nhiệt kế cho bé, cụ thể là: 

  • Nhiệt độ ở hậu môn cao hơn 39 độ C.
  • Nhiệt độ ở miệng cao hơn 37.8 độ C.
  • Nhiệt độ ở nách cao hơn 37 độ C.

Kèm theo các hiện tượng bé quấy khóc vì khó chịu, màu da cơ thể đỏ ửng vì nhiệt độ tăng và phản ứng chậm hơn bình thường. 

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt

Cấp và giữ nước cho bé.

Cơ thể ở nhiệt độ cao khi sốt khiến bé mất nhiều nước, ba mẹ phải thường xuyên kiểm tra thân nhiệt và cho bé bổ sung nước. 

Đặc biệt đối với các bé dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ sẽ là giải pháp hữu hiệu không chỉ giúp bé bù lại lượng nước đã mất, mà còn là nguồn dinh dưỡng giúp tăng hệ miễn dịch khi bé bệnh. 

Cho bé mặc quần áo thoáng mát.

Bé sốt sẽ thường đổ mồ hôi và quấy khóc vì khó chịu, mệt mỏi. Ba mẹ nên chọn những loại quần áo từ vải cotton mỏng nhẹ cho bé, không đóng bỉm để cơ thể bé thoát bớt nhiệt ra ngoài, giúp tinh thần bé thoải mái. 

Tránh dùng chăn để ủ ấm cho bé, điều này sẽ làm nhiệt độ cơ thể tăng nhanh thêm. 

Lau người bé bằng khăn ấm, nước ấm.

Ba mẹ nên nhúng khăn ấm ở nhiệt độ nước bằng với thân nhiệt của bé (37 độ – 40 độ C) để chườm ấm cho bé, đặc biệt tại các vị trí có thân nhiệt cao như vùng cổ, nách, vùng mặt trong đùi. 

Không nên dùng khăn lạnh, nước lạnh để chườm cho bé sẽ khiến mạch co lại, dẫn đến lỗ chân lông bé không mở được, không thoát được nhiệt từ cơ thể, khiến tình trạng sốt nghiêm trọng hơn.  

Không dùng các dung dịch cồn để hạ sốt cho bé.

Dùng dung dịch cồn để hạ sốt theo phương pháp dân gian sẽ gây nguy hiểm cho bé bởi các tác dụng phụ. 

Vì cồn sẽ gây hiện tượng co mạch, khiến bé không thải được nhiệt. Ngoài ra, trong cồn có chứa metanol có thể ngấm qua da gây ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe bé.

Chỉ cho bé dùng thuốc khi có sự tư vấn của bác sĩ.

Bé dưới 6 tháng khi các cơ quan cơ thể còn yếu, chỉ nên dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. 

Ba mẹ không tự ý dùng thuốc với liều lượng không phù hợp, hoặc chứa chất Aspirin để hạ sốt sẽ gây nguy cơ sưng phù não và gan, nguy hiểm đến sự an toàn của bé.

Đến cơ sở y tế, bệnh viện khi không có dấu hiệu hạ sốt hoặc sốt cao hơn. 

Nếu cơn sốt ở bé không có dấu hiệu dứt hoặc hạ, sốt cao trên 39 độ, ba mẹ cần đưa bé đến cơ sở ý tế gần nhất để được chữa trị và tư vấn kịp thời.

Tin tức liên quan