BB Wellness

ĐẶT HẸN

Bài viết

title-baby-decor

Mách mẹ 4 tips chăm sóc làn da bé sơ sinh

Sau khi ra đời và bắt đầu tiếp xúc với môi trường mới, làn da vốn nhạy cảm của bé sơ sinh rất dễ bị kích ứng và cần một sự chăm sóc đặc biệt.

Làn da em bé rất mỏng và nhạy cảm, đòi hỏi mẹ phải hết sức cẩn thận trong việc chăm sóc làn da cho bé yêu.

Bé thường gặp các vấn đề về da nào?

Khô da

Khi mới chào đời, cấu trúc làn da bé rất mỏng manh, chỉ bằng một phần tư làn da của người trưởng thành. Lớp thượng bì chưa hoàn thiện, không thể bảo vệ làn da trước nguy cơ bị mất nước.

Rôm sẩy

Bé sơ sinh, đặc biệt là những bé sống tại khu vực có thời tiết nóng, rất dễ bị rôm sẩy do mồ hôi tiết ra nhiều nhưng không thoát được hết ra ngoài, ứ đọng trong ống bài tiết gây bí bách.

Da bé sơ sinh rất nhạy cảm, cần được chăm sóc rất kỹ (Nguồn: Internet)

Chàm sữa

Chàm sữa thường được bắt gặp ở bé từ 4 – 6 tháng tuổi. Chàm sữa thường xuất hiện ở mặt, hai bên má, có thể lan ra thân mình, tứ chi,… Bệnh khởi đầu là những mẩn đỏ, rồi sau đó trở thành mụn nước nhỏ li ti, đỏ, nứt da, rịn nước, một số bé còn có da rất khô, đóng mài và tróc vảy.

Bệnh thường xảy ra ở những bé có tiền sử bản thân hay gia đình có cơ địa dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, chàm thể tạng.

Hăm da

Hăm da là một trong những biểu hiện xuất hiện hầu hết ở các bé trong những năm đầu đời. Các vết hăm thường xuất hiện ở vùng  bụng, mông, bộ phận sinh dục và các kẽ da ở đùi. Hăm da có nhiều cấp độ khác nhau từ nổi mẩn đỏ đến sung tấy có mủ, rất nguy hiểm cho làn da của bé.

Hăm da xuất hiện hầu hết ở bé sơ sinh từ 1 – 3 tháng (Nguồn: Internet)

Các tips chăm da cho bé mẹ nên biết

Tuyệt đối không cho bé sơ sinh tiếp xúc với nước quá lâu

Có thể mẹ chưa biết, tắm nhiều hoặc cho bé tắm quá lâu cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khô da ở bé. Tần suất tắm thích hợp cho bé là 5 – 6 lần một tuần, và mỗi lần tắm không được quá 10 phút.

Ngoài ra, mẹ cần chú ý trong việc lựa chọn sữa tắm cho bé. Phải cân nhắc thật kỹ, chọn lựa các loại sữa tắm an toàn, thân thiện cho làn da của bé yêu để tránh tình trạng khô da hay kích ứng nhé.

Chú ý chế độ dinh dưỡng của bé

Đối với bé từ 0 – 12 tháng tuổi, mẹ cần duy trì bú sữa lâu nhất có thể, chỉ nên đa dạng các món ăn cho bé từ 6 tháng tuổi trở lên nhằm hạn chế tối đa việc bị kích ứng với thành phần món ăn. Việc cho bé ăn quá sớm khi hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện cũng dễ khiến bé bị khó tiêu, tiêu chảy, trào ngược dạ dày….

Bên cạnh đó, mẹ hãy nhớ tuyệt đối không cho bé ăn các món dễ bị kích ứng như thực phẩm lên men, trứng, đậu phộng, cà chua,…

Da bé rất dễ bị kích ứng nếu bố mẹ không chú ý thành phần thức ăn (Nguồn: Internet)

Thường xuyên tay tã/bỉm cho bé

Đa số bé bị kích ứng hăm da ở mông hay bộ phận sinh dục là do mặc tã quá lâu, gây bí bách, ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công làn da. Đối với bé sơ sinh, bố mẹ không được chủ quan, đợi tã thật nặng thật dơ mới thay, mà phải thay tã liên tục, có thể bôi phấn rôm hoặc sử dụng các loại thuốc chống hăm cho bé.

Thay drap giường thường xuyên

Theo Tiến sĩ Adam Fox, bé sơ sinh rất dễ bị mắc các bệnh hen, eczema nếu không thay drap giường thường xuyên. Mỗi ngày người lớn dành 8 tiếng và bé sơ sinh dành gần như 24 tiếng để nằm trên giường. Tất nhiên điều đó sẽ để lại “dấu tích” mồ hôi, bụi bẩn trên drap giường. Lâu ngày nếu không được giặt sạch sẽ là nơi thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển, tấn công làn da bé và gây ra các vấn đề dị ứng.

Mẹ cần chú ý giữ gìn thật sạch không gian phòng ngủ, nhất là chăn, màn, drap giường,…hoặc có thể trang bị riêng cho bé sơ sinh drap giường chống thấm để bảo vệ làn da cho bé.

Trên đây là những phương pháp đơn giản nhưng cực hữu dụng mà mẹ nên “bỏ túi” để chăm sóc thật tốt làn da bé yêu trong những năm đầu đời. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa mẹ có thể tự giải quyết tất cả các vấn đề về da cho bé tại nhà, mọi phương pháp điều trị đều nên có sự chỉ định của bác sĩ để tránh để lại hậu quả xấu mẹ nhé.

Tin tức liên quan