BB Wellness

ĐẶT HẸN

Bài viết

title-baby-decor

Độ tuổi thích hợp cho trẻ em học ngoại ngữ

Nhiều người tin rằng trẻ em có khả năng học ngôn ngữ vượt trội so với người lớn nên có không ít gia đình cho con học ngoại ngữ từ rất sớm. Tuy nhiên, cũng không ít ba mẹ không đồng tình với quan điểm trên.

  • Trên thực tế, đã có những trường hợp ba mẹ phải chuyển trường cho con từ trường quốc tế sang trường công lập chỉ vì… con “quên” tiếng mẹ đẻ. Theo chuyên gia Neil Robert, Phó giám đốc Trung tâm giảng dạy Hội đồng Anh Hà Nội, 2 – 4 tuổi là khoảng thời gian quan trọng để phát triển tiếng mẹ đẻ. Sự tiếp nhận ngôn ngữ đầu tiên của trẻ có thể bị chậm lại nếu trẻ được tiếp xúc với ngôn ngữ thứ 2 trong một thời gian dài. Thậm chí, có ba mẹ còn không dùng tiếng mẹ đẻ ở nhà để trẻ có thể học ngoại ngữ tốt hơn. Điều này khiến trẻ bối rối, mất tự tin và rối loạn ngôn ngữ. Các biểu hiện của rối loạn ngôn ngữ là chậm nói, nói không đúng từ hoặc ê a mãi không nói được hết câu.

  • Rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng bộ não của trẻ em linh hoạt hơn người lớn, điển hình nhất là nghiên cứu của Lenneberg năm 1967. Tuy nhiên chúng ta đã chỉ chăm chăm nhìn vào kết luận mà chưa chắc đã biết não trẻ linh hoạt hơn ở điểm nào. Cũng có rất nhiều nghiên cứu khác (Snow & Hoefnagel-Hoehle, 1978) kết luận rằng người lớn có khả năng học ngoại ngữ tốt hơn so với trẻ em trong tất cả các mặt ngoại trừ việc phát âm. Bộ não trẻ phát triển một cách vô thức, trẻ theo dõi và lắng nghe mọi tiếng động từ xung quanh mình, phân biệt được sự khác biệt dù là rất nhỏ giữa những âm thanh. Nói như vậy, ngoài việc có lợi thế phát âm thì khả năng học ngoại ngữ của trẻ em không hề vượt trội so với người lớn. Việc được học ngoại ngữ sớm không đồng nghĩa với việc đảm bảo sẽ có thể học tốt.

  • Để phản biện lại luận điểm trên, các ba các mẹ vẫn chặc lưỡi “Ui, vẫn có bé học song ngữ, nói được cả tiếng Anh và tiếng Việt đấy thôi!”. Chúng ta nên hiểu rõ song ngữ và ngôn ngữ thứ 2 là hai khái niệm khác nhau.
    Song ngữ là học 2 ngôn ngữ như tiếng mẹ đẻ. Tức là cách tiếp cận ngôn ngữ phải tự nhiên hết sức có thể, ví dụ như nghe qua các cuộc hội thoại của ba mẹ, của mọi người xung quanh. Và em bé cảm thấy thoải mái sử dụng cả hai ngôn ngữ. Đa phần ở Việt Nam, ngoại ngữ là ngôn ngữ thứ 2. Tức là phải đi tới trường để học.

  • Hiện nay, các trung tâm dạy ngoại ngữ cũng đã áp dụng các phương pháp dạy học gần gũi hơn, phù hợp hơn với trẻ em. Cũng theo Neil Robert, trẻ em có thể học rất nhiều khi chơi. Trong khi chơi, trẻ có thể thử những vai trò mới, ngôn ngữ mới và thông thường, những gì trẻ thể hiện thường vượt ra khỏi khuôn khổ khả năng của chúng trong các lớp học. Đồng thời, trong khi chơi, trẻ có thể có những phát hiện về ngôn ngữ – những phát hiện “tự thân” này sẽ được lưu giữ tốt hơn trong trí nhớ của trẻ so với những gì chỉ đơn thuần được “truyền đạt” bởi giáo viên.

Vậy ta có thể thấy rằng ngoài yếu tố độ tuổi thì những yếu tố khác như môi trường học, động lực nội tại, phương pháp và chất lượng giảng dạy cũng tác động tới khả năng học ngôn ngữ của trẻ. Kỳ thực, trước 15 tuổi là lúc trẻ em có khả năng học ngôn ngữ rất tốt nhưng ba mẹ hãy chọn thời điểm thích hợp nhất với em bé bởi không phải cứ học càng sớm thì càng giỏi đâu nhé!

Tin tức liên quan