BB Wellness

ĐẶT HẸN

Bài viết

title-baby-decor

BÉ THẤP CÒI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ BỐ MẸ QUAN TÂM

Sau 6 tháng tuổi, tốc độ tăng trưởng của bé giảm dần, đặc biệt khi tập cho bé ăn dặm. Ở giai đoạn này, nếu không chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, bé rất dễ bị thấp còi.

Suy dinh dưỡng thấp còi là tình trạng bé có chiều cao và cân nặng thấp hơn mức trung bình theo đánh giá của WHO. Nếu bé đang ở trong tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi, bố mẹ hãy theo dõi cân nặng và chiều cao của bé thường xuyên để có thể thiết lập chế độ chăm sóc đặc biệt cho bé theo lời khuyên của bác sĩ dinh dưỡng dưới đây.

Nguyên nhân khiến bé thấp còi

Tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở bé thường xảy ra khi chế độ dinh dưỡng của bé thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là protein và năng lượng. Khi đó, chiều cao của bé sẽ thấp hơn so với chiều cao chuẩn trong bảng chiều cao cân nặng chuẩn của WHO.

Chế độ dinh dưỡng là nguyên nhân chính khiến bé bị thấp còi (Nguồn: Internet)

Tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở bé thường xảy ra do những nguyên nhân phổ biến sau:

Chế độ dinh dưỡng

Lý do thường gặp là do bố mẹ thiếu kiến thức về dinh dưỡng cho bé theo từng giai đoạn: Cho bé ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn, không để bé bú sữa mẹ trong khoảng 12 tháng đầu, lượng thức ăn không cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho bé theo từng độ tuổi. Bên cạnh đó, một số bé có biểu hiện biếng ăn thường xuyên cũng rất dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi.

Yếu tố bệnh lý

Bé thường mắc nhiều bệnh trong giai đoạn đầu đời như tiêu chảy, sốt, rối loạn tiêu hóa,…đặc biệt là những bệnh lý nhiễm khuẩn. Nếu quá trình chăm sóc trong và sau thời gian bé bệnh không đảm bảo lượng dinh dưỡng cần thiết, bé rất dễ bị suy dinh dưỡng, thấp còi. Ngoài ra, nếu mẹ gặp phải các bệnh lý dẫn đến tình trạng cắt sữa sớm cũng khiến bé bị thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết.

Bé có thể bị thấp còi nếu bản thân mắc các bệnh lý về tiêu hóa,… (Nguồn: Internet)

Những yếu tố khác

  • Trẻ sinh non nhẹ hơn 2.5kg
  • Gia đình nhiều con, sinh đôi, sinh ba,… trong khi điều kiện kinh tế không đáp ứng được
  • Mẹ ít sữa hoặc mất sữa
  • Trẻ mắc các bệnh lý bẩm sinh
  • Môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguồn lây bệnh
Hậu quả khi bé suy dinh dưỡng, thấp còi

Tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở bé không chỉ ảnh hưởng trong thời gian ngắn mà còn dẫn đến những hậu quả khó lường trong tương lai:

  • Một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong ở bé sơ sinh nếu không được chăm sóc và chữa trị kịp thời
  • Sức khỏe, hệ miễn dịch bị suy giảm
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, quá trình học tập cũng như năng suất lao động sau này
  • Có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý không lây nhiễm như tiểu đường, xương khớp, ung thư,…khi trưởng thành
  • Ảnh hưởng đến yếu tố tâm lý do thua thiệt với các bạn bè đồng trang lứa
Cách chăm sóc bé suy dinh dưỡng, thấp còi

Thiếu chất dinh dưỡng khiến cho bé có thể trạng yếu và sức đề kháng giảm đáng kể so với các bé bình thường khác, chính vì thế việc chăm sóc bé cũng cần chú ý từ những điều nhỏ nhất:

  • Cho bé ăn chín uống sôi, nếu thức ăn đã để nguội quá 3 tiếng thì cần hâm nóng lại. Vệ sinh kỹ dụng cụ nấu ăn, khay đựng thức ăn, muỗng,…
  • Chọn lựa kỹ thực phẩm, tránh những nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc, đông lạnh lâu ngày dễ dẫn đến tình trạng tiêu chảy, táo bón, ngộ độc,…
  • Vệ sinh cá nhân, tắm rửa sạch sẽ cho bé
  • Mặc đủ ấm cho bé vào mùa đông để tránh bị nhiễm lạnh, cảm cúm
  • Quần áo, khăn, giày dép của trẻ cần giặt sạch, phơi khô dưới nắng

Khi bé bệnh, bố mẹ cần chăm sóc bé đúng cách. Với những bệnh thường gặp, nếu có thể điều trị tại nhà thì bố mẹ cần lựa chọn phương pháp điều trị khoa học. Bố mẹ vẫn nên đưa bé đến bệnh viện sớm nhất có thể để được bác sĩ thăm khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.

Bố mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để được hướng dẫn chăm sóc bé tốt nhất (Nguồn: internet)

Cách phòng ngừa tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi

Để giúp bé tránh khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi bố mẹ có thể áp dụng những biện pháp sau:

  • Khuyến khích con vận động: Vận động nhiều, hoạt động tích cực sẽ giúp bé tiêu hao nhiều năng lượng, khiến bé mau đói và kích thích ham muốn ăn uống tự nhiên ở bé.
  • Bổ sung 1 – 2 bữa phụ mỗi ngày cho con. Đảm bảo bé ăn đủ 5 nhóm thực phẩm chính bao gồm: tinh bột, ngũ cốc, thịt, rau, và trái cây.
  • Thêm chất đạm và canxi: Từ 1 tuổi trở lên, bé vẫn được khuyến khích bú mẹ cho tới 2 tuổi. Bên cạnh sữa mẹ, bé còn cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết (các loại thức ăn giàu chất đạm và canxi như: trứng, sữa, thịt bò, thịt gà, cá, tôm, cua, hàu, các loại đậu) tùy theo độ tuổi và thể trạng.
  • Ngủ đủ giấc: Với bé từ 1 tuổi trở lên, mỗi ngày bé cần được ngủ ít nhất 8 – 10 tiếng. Việc ngủ đủ giấc và trước 10 giờ đêm sẽ giúp bé thích thú, hào hứng hơn trong việc học tập, vui chơi và vận động thể chất để tăng trưởng chiều cao hơn.

Hành trình làm bố mẹ chưa bao giờ dễ dàng, luôn xen lẫn giữa những vất vả, khó khăn và sự tự hào, hạnh phúc. Bố mẹ phải luôn cẩn thận, chu đáo để giúp bé phát triển tốt nhất ngay từ những năm tháng đầu đời.

Tin tức liên quan