BB Wellness

ĐẶT HẸN

Bài viết

title-baby-decor

6 Kỹ năng xã hội nên dạy bé khi bé lên 3 tuổi

Nhiều người vẫn nghĩ trẻ con không biết gì cả, cứ để trẻ cư xử một cách tự nhiên bản năng nhất mà không cần phải mài dũa quá sớm. Thế nhưng sự thật lại không phải như vậy, khả năng tiếp thu của trẻ từ 1- 6 tuổi là cực kỳ nhạy bén. Nếu không được rèn sớm, bé sẽ dần hình thành một nếp sống tiêu cực khi lớn lên. 

Vậy bố mẹ cần dạy những kỹ năng gì để bé phát triển một cách tốt nhất?

Biết nói lời xin lỗi

Ba mẹ cần phải dạy bé nói lời xin lỗi khi làm sai một điều gì đó, không chỉ giúp bé nhận ra lỗi lầm của mình mà còn giúp bé can đảm đối diện với lỗi lầm của mình chứ không phải chọn cách nói dối để tránh né. Rất nhiều trẻ do được nuông chiều, được ba mẹ bỏ qua rất nhiều sai phạm từ đó hình thành tính cách bướng bỉnh, không chịu nhận sai hoặc tệ hơn nữa là đổ lỗi cho người khác. Không chỉ bé mà ngay cả bố mẹ cũng phải xin lỗi bé khi làm sai với bé để bé cảm nhận được cảm giác khi nhận được lời xin lỗi từ người khác.

Chủ động trong ăn uống

Tập cho bé tính tự chủ khi ăn, tập cho bé cách múc cơm để bé có thể hoàn thiện tính tự lập từ khi còn nhỏ. Đừng để bé 4-5 tuổi rồi mà vẫn luôn đợi ba mẹ đút cơm, nếu không có người đút sẽ không chịu ăn. 

Tập cho bé tự ăn là một quá trình đều đặn, lâu dài đòi hỏi ở mẹ sự kiên nhẫn và đúng phương pháp. Khi trẻ tập ăn chúng sẽ biết tự chủ động và có trách nhiệm với bản thân, bố mẹ phải tạo cơ hội để trẻ tự lập, phát triển đúng giai đoạn, đừng vì quá yêu thường mà chiều chuộng, bao bọc trẻ vì nó sẽ mang hại nhiều hơn lợi.

Tập cho bé chủ động trong ăn uống là một quá trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn (Nguồn: Internet)

Biết chia sẻ

Tính sở hữu của các bé nhỏ rất cao, khi các bé thích một món đồ nào đó thì sẽ dùng mọi cách khóc lóc, ăn vạ để đòi cho bằng được, hoặc thậm chí là sẽ giành đồ chơi với các bé khác.  Để giải quyết tình trạng này, thay vì la hoặc đánh để phạt con, ba mẹ nên nói từ từ cho bé hiểu vì sao mình phải nhường đồ chơi cho bạn. Ba mẹ cũng nên cho bé đi chơi với bạn nhiều hơn, tập cho các bé trao đổi đồ chơi với nhau để bé biết được khi chia sẻ với người khác mình sẽ nhận lại được gì.

Biết nói lời cảm ơn

Biết nói lời cảm ơn là một phép lịch sự và là một bài học quan trọng ba mẹ cần phải dạy con ngay từ khi còn bé. Không cần đợi con biết phát âm tròn vành rõ chữ mới dạy con nói cảm ơn, khi con mới bập bẹ được những chữ đầu tiên ba mẹ hãy dạy con gật đầu hoặc “ạ” khi được nhận một món đồ mà con yêu thích. Từ đó, bé sẽ dần hình thành phản xạ có điều kiện, sẵn sàng nói lời cảm ơn khi nhận được một lời khen, một sự giúp đỡ hoặc một món quà nào đó.

Biết nói lời cảm ơn là một bài học đầu đời cần thiết cho mọi đứa trẻ (Nguồn: Internet)

Biết lắng nghe

Lắng nghe không có nghĩa là phải luôn luôn im lặng – mà là thực sự thấu hiểu và đồng cảm khi người khác trò chuyện. Kỹ năng lắng nghe cũng là một phần quan trọng để có thể giao tiếp lành mạnh. Kỹ năng lắng nghe cũng có thể giúp trẻ học tốt hơn khi con biết tập trung nghe lời thầy cô giảng ở trường. Tiếp nhận thông tin, ghi chú và suy nghĩ về những thứ đã nghe được, học được cũng là một kỹ năng quan trọng để con thành công khi đến trường.

Kỹ năng lắng nghe cũng thật sự cần thiết để trẻ lớn lên trở thành một người bạn tốt, một nhân viên tốt, một người sếp tốt và là người bạn đời tốt. Ngày nay, ở thời đại số, lắng nghe lại trở thành một kỹ năng khó học hơn bao giờ hết, khi người ta có thói quen nhìn chăm chăm vào màn hình điện thoại khi đang trò chuyện.

Biết tôn trọng mọi người

Trẻ nhỏ thường không ý thức được việc phải tôn trọng không gian riêng tư của người khác. Các con thường cố gắng trèo lên lòng người lớn để gây sự chú ý mà không hiểu rằng mình đang làm phiền người khác. Do vậy, biết ý tứ tôn trọng không gian riêng tư của người khác cũng là một kỹ năng quan trọng mà trẻ nên học. Cha mẹ có thể đặt ra những nội quy trong nhà nhằm khuyến khích trẻ biết tôn trọng không gian riêng tư của người khác. Ví dụ như “Gõ cửa trước khi mở” hay “Không chọc ghẹo người khác” đều là những nội quy đơn giản mà hữu hiệu.

Kỹ năng xã hội không phải là thứ con tự nhiên sinh ra đã có hay không có. Đó là những kỹ năng cần được rèn luyện trong suốt quá trình con lớn lên. Hãy tranh thủ tận dụng mọi cơ hội để uốn nắn cho con những đức tính này. Hãy bắt đầu từ những kỹ năng đơn giản nhất và thường xuyên nhắc đi nhắc lại để giúp con rèn giũa những kỹ năng này theo thời gian.

Tin tức liên quan